Đối với bệnh nhân mắc tiểu đường, chế độ ăn vô cùng quan trọng giúp kiểm soát lượng đường huyết. Trong nội dung bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn thực đơn 7 ngày cho người tiểu đường tuýp 1, type 2… Hãy cùng tham khảo nhé!
Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường. Đây là tình trạng nồng độ glucose (đường) trong máu tăng cao hơn mức bình thường. Điều này xảy ra do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả.
Insulin là một hormone do tuyến tụy tiết ra, có vai trò điều chỉnh quá trình chuyển hóa glucose từ thức ăn thành năng lượng trong cơ thể.
Bệnh tiểu đường được chia thành 2 dạng chính:
- Tiểu đường type 1: Là căn bệnh do hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy tuyến tụy. Gây suy giảm hoặc ngừng hoạt động của các tế bào beta tiết insulin. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt insulin trong cơ thể. Người mắc tiểu đường type 1 cần tiêm insulin để kiểm soát nồng độ glucose trong máu hàng ngày.
- Tiểu đường type 2: Là loại phổ biến nhất của tiểu đường và thường xuất hiện ở người trưởng thành. Trong trường hợp này, cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả (gọi là kháng insulin) hoặc không sản xuất đủ insulin.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người tiểu đường
Chế độ dinh dưỡng có liên quan trực tiếp việc kiểm soát lượng đường trong máu, phòng tránh bệnh tiến triển nặng hơn. Dưới đây là những nguyên tắc dinh dưỡng cần nhớ cho người tiểu đường:
- Giảm tinh bột: Ưu tiên sử dụng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, tăng cường ăn nhiều chất xơ. Chỉ số đường huyết phù hợp với bệnh nhân tiểu đường đó là (GI) thấp là < 55%, rất thấp là < 40%.
- Lượng đạm: Bệnh nhân tiểu đường nên ăn khoảng 1-1,5g đạm/kg trọng lượng/ngày. Đạm có nhiều trong thịt gia cầm, cá, đậu, đậu phụ, hạt, sữa và sản phẩm sữa ít chất béo.
- Bổ sung chất béo lành mạnh: Nên dùng các loại chất béo không no như dầu mè, dầu oliu, dầu lạc, mỡ cá. Tránh chất béo bão hòa và chất béo trans.
- Tăng cường chất xơ: Chất xơ giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và kiểm soát đường huyết. Thực phẩm giàu chất xơ phải kể đến như cần tây, cà tím, su hào, các loại cải, măng tây, mồng tơi, rau ngót, súp lơ xanh.
Ngoài ra, còn một số lưu ý khác về chế độ ăn uống cho người bệnh tiểu đường:
- Hạn chế đường: Tránh đường tinh luyện, thức uống có đường, bánh ngọt, đồ ngọt, kem, nước ngọt có ga. Nên đọc kỹ nhãn sản phẩm để tránh các loại thức ăn chứa đường.
- Kiểm soát carbohydrate: Theo dõi lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn để kiểm soát đường huyết.
- Giữ cân nặng và theo dõi calo: Duy trì cân nặng theo mong muốn để kiểm soát tiểu đường. Theo dõi lượng calo tiêu thụ hàng ngày và điều chỉnh theo nhu cầu của cơ thể.
Thực đơn dành cho người tiểu đường
Đối với bệnh tiểu đường, cần điều trị kết hợp nhiều phương pháp như: dùng thuốc, chế độ ăn và luyện tập. Trong đó, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng về số lượng và thành phần dinh dưỡng. Từ đó, giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn để có đủ sức khỏe sinh hoạt và làm việc.
Thực đơn 3 bữa dành cho người mắc bệnh tiểu đường cần đảm bảo những yếu tố sau:
- Bữa sáng: Giúp cung cấp năng lượng cho ngày dài. Đồng thời, có tác dụng ổn định đường huyết trong cả 1 ngày. Bữa sáng cần đảm bảo đầy đủ 3 nhóm dưỡng chất sau: ¼ tinh bột, ½ chất đạm, ½ chất xơ.
- Bữa trưa: Là bữa chính trong ngày và bổ sung năng lượng cho các hoạt động buổi chiều. Bệnh nhân tiểu đường cần duy trì bữa trưa cân bằng giữa các nhóm chất như: ¼ tinh bột, ¼ chất đạm và ½ chất xơ.
- Bữa tối: Là bữa ăn kết thúc một ngày. Đây cũng là bữa dễ gây tích tụ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến đường huyết nếu bạn ăn uống không hợp lý. Thực đơn bữa tối được khuyến cáo phù hợp với cho bệnh nhân tiểu đường đó là: ¼ tinh bột, ¼ chất đạm và ½ chất xơ từ rau xanh nhưng lượng cần giảm từ ½ hoặc ⅓ so với bữa trưa.
[Gợi ý] Thực đơn 7 ngày trong tuần cho người tiểu đường
Mặc dù bệnh nhân tiểu đường cần chú ý đế chế độ dinh dưỡng. Song vẫn cần duy trì thực đơn phong phú, với đa dạng các món ăn để tránh nhàm chán. Một điểm đặc biệt cần lưu ý trong thực đơn cho người tiểu đường đó là ưu tiên cân bằng dinh dưỡng và chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
Dưới đây là một vài gợi ý về thực đơn 7 ngày cho người tiểu đường”:
Thực đơn 7 ngày cho người tiểu đường – Ngày thứ 2
Ngày đầu tuần, bạn có thể bắt đầu bằng thực đơn như sau:
- Sáng: Phở gà, Trái cây.
- Trưa: Cơm (1 bát nhỏ), canh bí đỏ nấu thịt, cá kho, đậu phụ luộc, tráng miệng trái cây loại ít đường.
- Chiều: Người mắc bệnh tiểu đường có thể dùng bữa xế bằng bánh quy (loại dành riêng cho bệnh nhân tiểu đường).
- Tối: Cơm (1 bát nhỏ), rau cải luộc, thịt kho và trái cây.
Thực đơn 7 ngày cho người tiểu đường – Thứ 3
Để tránh nhàm chán, thực đơn ngày thứ 3, bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng:
- Sáng: Bánh cuốn suất vừa phải, nửa buổi sáng ăn trái cây.
- Trưa: Cơm (1 bát con), canh cá hồi nấu măng chua, thịt gà rang, rau muống luộc, tráng miệng trái cây.
- Chiều: Lót dạ bằng sữa chua ít đường.
- Tối: Cơm (1 bát con), cải xoong nấu canh tôm, thịt luộc, trái cây.
Thực đơn cho người tiểu đường – Thứ 4
Gợi ý thực đơn ngày thứ 4 như sau:
- Sáng: Một tô bún thang.
- Trưa: 1 bát cơm nhỏ, canh cua rau cải, trứng cuộn và trái cây.
- Xế chiều: Thưởng thức bánh Flan.
- Tối: Ăn một bát cơm nhỏ với gà hầm nấm, salad rau càng cua, tráng miệng bánh quy dành cho người tiểu đường.
Thực đơn 7 ngày cho người tiểu đường – Thứ 5
Thực đơn ngày thứ 5 cho bệnh nhân tiểu đường như sau:
- Bữa sáng: Bạn có thể bắt đầu bằng bánh mì, nửa buổi ăn hoa quả.
- Bữa trưa: Ăn một bát cơm nhỏ với canh ngao nấu chua, cá rán và tráng miệng hoa quả.
- Bữa xế chiều: Lót dạ bằng ngô luộc.
- Bữa tối: Ăn nhẹ bún mọc, hoa quả.
Món ăn cho người tiểu đường – Thứ 6
Thực đơn 7 ngày cho người tiểu đường vào thứ 6 có thể áp dụng như sau:
- Buổi sáng: Ăn hủ tiếu và nửa buổi ăn thêm trái cây.
- Bữa trưa: Chỉ nên ăn 1 bát cơm nhỏ với canh bí đao nấu xương, hoa thiên lý xào thịt bò, tráng miệng với hoa quả ít đường.
- Xế chiều: Sữa chua ít đường.
- Bữa tối: 1 bát cơm nhỏ, đậu phụ nhồi thịt, rau muống luộc, tráng miệng trái cây.
Thực đơn 7 ngày cho người tiểu đường – Thứ 7
Thực đơn cuối tuần cho bệnh nhân tiểu đường như sau:
- Buổi sáng ăn cháo đậu đỏ.
- Bữa trưa: Phở cuốn kết hợp với hoa quả tráng miệng.
- Ăn nhẹ buổi chiều: Chè đậu đen ít đường.
- Bữa tối: 1 bát cơm nhỏ ăn cùng mướp đắng xào trứng, canh cà tím nấu đậu và thịt, tráng miệng hoa quả.
Thực đơn cho người tiểu đường – Chủ nhật
Dưới đây là gợi ý thực đơn ngày chủ nhật cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường:
- Sáng: Bún bò Huế.
- Bữa trưa: Ăn một bát cơm nhỏ, cùng đậu phụ sốt cà chua, cạnh thập cẩm nấu tôm thịt nấm, hoa quả tráng miệng.
- Chiều: lót dạ với sữa chua ít đường
- Tối: Ăn nhẹ cháo sườn thêm một chút trái cây.
Các món canh tốt cho người tiểu đường
- Nếu ăn uống không đúng theo quy chuẩn người bệnh tiểu đường có thể mắc các tình trạng như tăng đường huyết, tăng lipid máu gây xơ vữa động mạch, oxy hóa biến chứng mạch máu gây nguy hiểm đến sức khỏe. Bên cạnh thực đơn 7 ngày cho người tiểu đường, các bạn cùng tham khảo thêm các món canh tốt cho người tiểu đường dưới đây:
Canh thịt nhồi mướp đắng
Món canh tốt cho người tiểu đường đầu tiên mà Phòng Mạch 24h muốn giới thiệu đến bạn là canh thịt nhồi mướp đắng. Món này có tác dụng kích thích cơ thể tăng sản sinh hormone Insulin. Ngoài ra, nó còn hạn chế gan tiết ra lượng đường Glucose, hỗ trợ tế bào hấp thu nhiều Glucose hơn.
Canh bí đao
Canh bí đao có tính mát, ít calo, giúp cải thiện lượng mỡ trong máu nhiều, giúp lợi tiểu và người tiểu đường sẽ nhanh no bụng, ít thèm ăn.
Canh nấm cải xanh
Món canh này là sự kết hợp giữa 2 loại thực phẩm vàng tốt cho người bị tiểu đường: nấm và cải xanh.
Nấm có hàm lượng GI thấp từ 10 – 15, GL trong 70gram nhỏ hơn 1. Điều này đồng nghĩa với việc nó không hề làm tăng lượng đường trong máu. Hơn thế, nấm còn chứa lượng vitamin B và Polysacarit dồi dào đặc biệt tốt cho người bệnh.
Canh rau lang
Canh rau lang rất thân thuộc trong mỗi gia đình. Tuy nhiều tinh bột nhưng trong rau lang còn chứa chất xơ và carotene hỗ trợ điều hòa đường huyết trong máu.
Canh đậu phụ, nấm hương, ngân nhĩ
Bộ 3 thực phẩm tốt cho người đái tháo đường cùng hội tụ trong một món ăn. Đậu phụ giảm lượng cholesterol, cải thiện đường huyết và khả năng dung nạp Glucose. Nấm hương có chỉ số GI và GL thấp, dồi dào vitamin B và Polysacarit. Ngân nhĩ giàu vitamin, protein và các loại axit amin thiết yếu có hiệu quả rất tốt trong việc giảm lượng đường trong máu.
Những lưu ý khi xây dựng thực đơn cho người tiểu đường
Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi xây dựng thực đơn cho người bệnh tiểu đường:
Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ hơn và ăn thường xuyên
Người mắc bệnh tiểu đường cần hạn chế ăn quá no trong một bữa. Thay vào đó, hãy chia khẩu phần ăn thành các bữa nhỏ hơn, giúp tăng cảm giác no mà không gây tăng đường huyết đột ngột.
Ngoài bữa chính, có thể thêm các bữa phụ nhẹ giữa các bữa ăn chính để duy trì năng lượng và kiểm soát đường huyết.
Hạn chế đường và thức ăn có đường
Đường là nguồn chính gây tăng đường huyết. Do đó cần hạn chế sử dụng đường trong thức ăn và thức uống. Nên chú ý đến các sản phẩm có chứa đường ẩn như nước ngọt, đồ ăn nhanh, bánh kẹo và thực phẩm chế biến sẵn.
Kiểm soát lượng chất béo
Lựa chọn chất béo tốt như dầu oliu, dầu hạt lanh, dầu hạt cải, cá, hạt chia và hạt hướng dương. Hạn chế sử dụng chất béo bão hòa có nguồn gốc từ mỡ động vật và thực phẩm chế biến có nhiều chất béo bão hòa.
Uống đủ nước
Giữ cơ thể luôn đủ nước là vấn đề quan trọng đối với người bệnh tiểu đường. Uống đủ nước giúp duy trì độ ẩm cần thiết. Giảm nguy cơ mất nước và hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo.
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường cần đo lượng đường huyết thường xuyên. Đi khám định kỳ để nhận được tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Để xây dựng thực đơn phù hợp với tình trạng sức khỏe và yêu cầu riêng của từng người bệnh tiểu đường.
Những lưu ý về cách chế biến món ăn
Bệnh nhân mắc tiểu đường nên ưu tiên chế biến đồ ăn hấp, luộc. Hạn chế ăn đồ xào, chiên rán nhiều dầu. Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng muối. Vì ăn quá mặn, nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng về tim mạch, thận.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân mắc tiểu đường chỉ nên sử dụng <6g muối mỗi ngày.
Thứ tự khi ăn
Ăn đúng thứ tự sẽ giúp là giảm cảm giác đói, từ đó kiểm soát được lượng đường huyết nạp vào cơ thể.
Theo đó, bệnh nhân tiểu đường nên uống canh, ăn rau, ăn thịt trước. Cơm sẽ là món cuối cùng sử dụng
Vừa rồi là gợi ý thực đơn 7 ngày cho người tiểu đường, cũng những nguyên tắc quan trọng trong việc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân mắc tiểu đường. Căn bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát và “chung sống hòa bình” nếu bạn áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đồng thời kết hợp với lối sống sinh hoạt lành mạnh.
Xem thêm bài viết: